Hội thảo Quốc tế về Cơ khí tiên tiến, Tự động hóa và Phát triển bền vững (AMAS) 2021, do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (UTEHY) phối hợp với Hội Nghiên cứu Biên tập Công trình khoa học và Công nghệ Việt Nam (VASE) tổ chức diễn ra trong các ngày từ 4 – 7/11/2021, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã thành công rực rỡ. Đây thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trong và ngoài nước trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực Cơ khí, tự động hóa, đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện, phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội và cộng đồng.

Tham dự Hội thảo có GS,TSKH. Bành Tiến Long, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Biên tập Công trình khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các Trường Đại học Kỹ thuật Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN Các ngành kinh tế – Kỹ thuật, Bộ KH&CN.

Về phía Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có: PGS,TS. Bùi Trung Thành, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Hội đồng Trường cùng các thầy, cô trong Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường, Lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường.

Nhiều đại diện doanh nghiệp cũng có mặt tại Hội thảo, giới thiệu về các sản phẩm công nghệ, tự động hóa, robot… và ứng dụng KHCN trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, các nhà tài trợ chính là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Công ty TNHH LMS Technologies Việt Nam.

Trong suốt 10 năm qua, ngành Công nghiệp nói chung, phát triển cơ khí, tự động hóa nói riêng được coi là xương sống của nền kinh tế. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2021 – 2030 xác định, chế tạo máy – tự động hóa là một trong những hướng công nghệ ưu tiên, bên cạnh công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường.

Kết quả nghiên cứu công bố thông qua các báo cáo, tham luận tại Hội thảo Quốc tế AMAS lần này sẽ là cơ sở tham khảo để đẩy mạnh kết nối giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm quốc gia, sản phẩm cơ khí trọng điểm, chủ lực, có giá trị kinh tế cao, nâng cao tiềm lực, đổi mới công nghệ, làm chủ thiết kế, chế tạo, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí nhập khẩu, chủ động nguồn cung trong nước.Thúc đẩy mối liên kết giữa các Viện, trường và doanh nghiệp, qua đó hình thành một số doanh nghiệp đủ mạnh để làm tổng thầu EPC các dự án lớn trọng điểm cấp quốc gia, nhằm đạt mục tiêu đưa ngành Cơ khí bứt tốc, trở thành động lực chủ chốt của nền kinh tế và nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
GS, TSKH. Bành Tiến Long, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Biên tập Công trình khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí KH&CN các Trường Đại học Kỹ thuật Việt Nam  phát biểu tại Hội thảo